CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE KHOA GIÁO DỤC MẦM NON VÀ TIỂU HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

SỬ DỤNG THÍ NGHIỆM HÓA HỌC TRONG DẠY HỌC GIÚP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY MÔN HÓA HỌC Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

Đăng lúc: 13/03/2023 (GMT+7)
100%

Thí nghiệm hóa học có vai trò rất quan trọng vì thông qua thí nghiệm giúp cho học sinh tiếp thu bài học hiệu quả hơn. Để nâng cao chất lượng trong công tác giảng dạy môn hóa thì một trong những biện pháp đó là cần phải tăng cường sử dụng TN trong các giờ học và đổi mới cách thức sử dụng TN theo hướng tích cực hóa

SỬ DỤNG THÍ NGHIỆM HÓA HỌC TRONG DẠY HỌC
GIÚP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY MÔN HÓA HỌC
Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ
ThS. Lê Thị Dung
     Trường ĐH,VH,TT&DL Thanh Hóa
Email: lethidung@dvtdt.edu.vn
Abstract
Chemistry is an experimental science, both theoretical and experimental, that studies the structure of substances, their changes, and their applications. Through chemical experiments, it helps to clarify the relationship between substances, explain the nature of chemical phenomena, thereby helping students acquire knowledge with a solid scientific basis. sure, have the ability to apply knowledge in real life.
In fact, many secondary school teachers are only interested in providing chemical knowledge but have not paid much attention to the ways of students' acquisition. If teachers only impart basic theories such as textbooks without leading and illustrated experiments, students will only passively absorb, have no interest and thinking, causing boredom in class.
Keywords: Chemistry, experiment, secondary school, students, teachers, practice, teaching.
Đặt vấn đề:
Thí nghiệm hóa học có vai trò rất quan trọng vì thông qua thí nghiệm giúp cho học sinh tiếp thu bài học hiệu quả hơn. Để nâng cao chất lượng trong công tác giảng dạy môn hóa thì một trong những biện pháp đó là cần phải tăng cường sử dụng TN trong các giờ học và đổi mới cách thức sử dụng TN theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh nhằm khai thác có hiệu quả những lợi ích của thí nghiệm trong từng bài học. Từ đó vừa tạo được sự hứng thú trong tiết học, vừa giúp học sinh thu được kiến thức hóa học qua sự tìm tòi vừa có được các kĩ năng hóa học cơ bản, nâng cao năng lực cho mỗi học sinh.
Chính vì vậy tôi đã chọn“ Sử dụng thí nghiệm hóa học trong dạy học giúp nâng cao chất lượng giảng dạy môn hóa học ở trường THCS” từ đó góp phần đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học môn hóa học tạo hứng thú và phát huy tính tích cực học tập của học sinh học THCS.
1.Thực trạng công tác dạy học môn hóa học ở trường THCS
Các trường THCS hiện nay thiết bị đồ dùng dạy học đã được trang bị khá đồng bộ ( như máy tính, máy chiếu ), phòng thiết bị có các dụng cụ, hóa chất cơ bản phục vụ đủ cho giáo viên, học sinh làm thí nghiệm, đa số các trường đã có cán bộ phụ trách thiết bị. Vì vậy việc sử dụng TN trong hóa học là hoàn toàn phù hợp để nâng cao chất lượng dạy và học tốt nhất của bộ môn này. Tuy nhiên thực tế còn một số vấn đề như sau:
- Đối với giáo viên: Hầu hết các giáo viên THCS đã sử dụng thí nghiệm trong các giờ dạy của mình và cũng đã thu được những kết quả khá tích cực. Song, việc sử dụng TN trong các giờ học còn ít, chưa thường xuyên và chủ yếu chỉ diễn ra trong một số giờ thực hành nên hiệu quả chưa cao. Một số giáo viên còn ngại tiến hành làm các thí nghiệm hoặc còn hạn chế về khả năng chuẩn bị, khả năng ứng dụng để sử dụng các dụng cụ, hóa chất  cho học sinh thực hành. Hơn nữa, cách thức sử dụng thí nghiệm hóa học cũng chưa có nhiều đổi mới, chủ yếu để minh họa cho kiến thức chứ chưa khai thác theo hướng dạy học tích cực để kích thích tư duy, phát triển khả năng tìm tòi, sáng tạo cho học sinh do GV chưa thực sự hiểu rõ tác dụng, tiến trình dạy học của mỗi cách sử dụng TN cũng như chưa biết cách lựa chọn phương pháp sử dụng TN cho phù hợp.
Do đó,  học sinh quen với kiếu học thụ động, lý thuyết mô tả chung, các bài tập thực nghiệm, bài tập định tính học sinh còn lúng túng, ứng dụng vào các bài toán còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả. Giáo viên không thường xuyên được học các lớp tập huấn về các thiết bị mới nên cách sử dụng thí nghiệm chưa hợp lí vì chưa hiểu rõ tác dụng, tiến trình chuẩn bị cũng như lựa chọn phương pháp sử dụng TN cho phù hợp.
- Đối với học sinh:  Do các em ít được làm quen với TN nên còn nhiều em bỡ ngỡ trong quá trình thực hành, thậm chí còn sợ không dám thực hành. Nhiều thí nghiệm học sinh làm không đúng quy trình đã được hướng dẫn, không nắm được các thao tác thí nghiệm, làm đổ vỡ dụng cụ thí nghiệm, hóa chất gây nguy hiểm làm cho các em mất tự tin trong quá trình làm các thí nghiệm sau.
2. Một số biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy môn hóa học ở trường THCS thông qua việc sử dụng thí nghiệm
Một là:  Giáo viên cần nắm vững các nguyên tắc cơ bản trong phòng TN trước khi  tổ chức tiến hành thí nghiệm bao gồm:
+ An toàn khi thí nghiệm:
- Hóa chất phải tinh khiết, dụng cụ thí nghiệm phải sạch và khô
- Đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng trình tự, không làm đổ vỡ, không để hóa chất bắn vào người, đèn cồn dùng xong phải đậy nắp để tắt lửa.
- Không dùng tay trực tiếp cầm hóa chất, không nếm hoặc ngửi trực tiếp hóa chất. Không sử dụng hóa chất trong các lọ mất nhãn. Không đổ hóa chất này vào hóa chất khác…
- Sau khi làm TN phải rửa dụng cụ, vệ sinh phòng thí nghiệm, sắp xếp dụng cụ, hoá chất đúng nơi quy định.
+ Bảo quản hóa chất
- Mỗi hoá chất cần chứa trong lọ riêng biệt thích hợp. Hình dạng, kích thước, màu sắc của lọ chứa hoá chất cần căn cứ vào tính chất và số lượng của từng loại hoá chất.
- Các lọ hoá chất phải có nhãn ghi rõ công thức hoá học, tên gọi, nồng độ (nếu là dung dịch) và ghi rõ các đặc điểm  như chất độc, chất dễ bay hơi, dễ cháy.
          + Tiết kiệm hóa chất: 
- Dùng hóa chất với lượng nhỏ, vừa đủ phù hợp với từng bài thí nghiệm.
- Hóa chất sử dụng phải có nhãn ghi rõ tên hóa chất, ký hiệu hóa chất, nồng độ hóa chất…
+ Đảm bảo độ tinh khiết của hoá chất
Trước khi lấy hoá chất từ một lọ nguyên ra cần gạt sạch các chất rắn ở nút lọ (parafin, xi, nhựa,...) để tránh hiện tượng các hoá chất bị lẫn.
+ Đảm bảo an toàn
Muốn đảm bảo an toàn khi sử dụng hoá chất, cần tuân theo những quy tắc về kĩ thuật bảo hiểm khi làm thí nghiệm phù hợp với từng loại thí nghiệm về chất độc; chất dễ ăn da và gây bỏng; chất dễ bắt lửa; chất dễ nổ.
+ Đảm bảo tính kỷ luật: Khi làm thí nghiệm phải trật tự, gọn gàng, cẩn thận, thực hiện thí nghiệm theo đúng trình tự qui định. Tất cả học sinh đều được làm thí nghiệm, quan sát thí nghiệm tránh trường hợp chỉ tập trung cho đối tượng khá giỏi làm thí nghiệm.
Hai là: Vai trò của GV và HS khi  thí nghiệm hoá học
* Đối với giáo viên:
- Để phát huy tính tích cực của HS trong học tập và mở rộng kiến thức, GV có thể sử dụng thêm các thí nghiệm hóa học phù hợp tùy theo nội dung từng bài học trong sách giáo khoa
- Tiến hành các thí nghiệm để minh họa theo các dạng bài từ những nội dung đã học, giáo viên phải có kế hoạch bài học theo hướng tổ chức các hoạt động dạy học tích cực
- GV cần tích hợp nhiều phương pháp khác nhau và phải dự kiến các tình huống có thể xảy ra trong quá trình thực hiện thí nghiệm.
- Qua mỗi tiết dạy GV cần rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nữa cho tiết học sau.
* Đối với học sinh:
        - Đọc kỹ nội dung các bài thí nghiệm trong SGK,  chuẩn bị tốt theo dặn dò của giáo viên trong giờ TN
-         Học sinh phải  biết, phải hiểu và phải vận dụng tốt nhất khi làm thực nghiệm.
Ba là: Các bước thực hiện thí nghiệm phải chính xác
Bước 1.  Xác định phương pháp tiến hành bài thí nghiệm
GV hướng dẫn cụ thể nội dung từng thao tác kỹ thuật để đảm bảo độ an toàn trong thí nghiệm, giúp HS thực hành được chính xác hơn hoặc GV hướng dẫn cụ thể gọi HS, nhóm HS lên làm thí nghiệm biểu diễn.
Bước 2. Chuẩn bị dụng cụ hóa chất
Lựa chọn thiết bị,  hóa chất, phiếu học tập phù hợp với tiết thực hành. GV cần kiểm tra độ an toàn của hóa chất và dự kiến trước tình huống có thể xảy ra khi tiến hành TN. Sử dụng các dụng cụ gọn nhẹ, đơn giản, dùng với lượng nhỏ hóa chất và phải đảm bảo an toàn cho học sinh.
Bước 3: Các hoạt động của GV và HS khi tiến hành làm TN
+ Đối với GV:
- Nội dung và phương pháp thí nghiệm phải đơn giản, học sinh thực hiện dễ thành công, dễ quan sát và nhận xét kết quả thí nghiệm, tốn ít thời gian trên lớp.
- GV hướng dẫn cho HS tìm hiểu qua nội dung phiếu học tập phù hợp với từng bài TN trong SGK.
- Cách chuẩn bị dụng cụ - hóa chất đảm bảo an toàn, đầy đủ
-  Quan sát theo dõi thí nghiệm biểu diễn ghi cụ thể theo nội dung yêu cầu, giúp đỡ các nhóm HS lúc gặp khó khăn khi tiến hành thí nghiệm.
- Yêu cầu các nhóm nhận xét hiện tượng xảy ra. GV nhận xét kết quả của HS, đánh giá rút kinh nghiệm.
 
 
+ Đối với HS:
- Tập trung theo dõi TN khi GV hướng dẫn
- Làm TN theo hướng dẫn của GV
 - Quan sát mô tả hiện tượng, nhận xét, thích hiện tượng xảy ra,  viết phương trình rút ra kết luận về tính chất hóa học
- Vận dụng kiến thức đã học để giải các bài tập định tính.
3. Kết luận
Thí nghiệm hóa học có vai trò rất quan trọng giúp cho quá trình khám phá, lĩnh hội tri thức khoa học của học sinh trở nên sinh động và hiệu quả hơn, việc sử dụng các phương tiện dạy học, đặc biệt thí nghiệm là một yêu cầu bắt buộc đối với GV. Cần phải đổi mới cách thức sử dụng TN theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh nhằm khai thác có hiệu quả những lợi ích to lớn của thí nghiệm trong dạy học hóa học. Từ đó giúp học sinh vừa thu được kiến thức hoá học qua sự tìm tòi vừa có được nhận thức hoá học cùng các kỹ năng hoá học cơ bản, nâng cao năng lực của mỗi học sinh THCS góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy học môn hóa học theo yêu cầu hiện nay. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. https://sangkienkinhnghiem.org
 [2]. Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên THCS môn Hóa học, Nhà xuất bản giáo dục
[3]. TS. Nguyễn Sỹ Đức (Chủ biên) và các tác giả (2009), Lắp đặt, sử dụng , bảo quản, bảo dưỡng các thiết bị dạy học ở trường THCS quyển 3, NXB Giáo dục Việ Nam
[4]. Lê Văn Dũng, Nguyễn Thị Kim Cúc(2004), Phương pháp giảng dạy hóa học trong  nhà trường phổ thông NXB Giáo dục tại Hà Nội