CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE KHOA GIÁO DỤC MẦM NON VÀ TIỂU HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

GIÁO DỤC TÌNH YÊU NGHỀ CHO SINH VIÊN KHOA GIÁO DỤC MẦM NON TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

Đăng lúc: 04/02/2023 (GMT+7)
100%

Nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý trong quan niệm của người Việt Nam từ bao đời nay. Thầy cô giáo được ví như “người chèo thuyền”, đưa học sinh tới trường không chỉ học kiến thức mà còn học làm người.

GIÁO DỤC TÌNH YÊU NGHỀ CHO SINH VIÊN KHOA GIÁO DỤC MẦM NON TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA
 
Ths. Mai Thị Thanh Vân
Khoa Giáo dục mầm non
 
1. Đặt vấn đề
Nghề dạy học là một nghề vô cùng cao quý trong quan niệm của người Việt Nam từ bao đời nay. Thầy cô giáo được ví như “người chèo thuyền”, đưa học sinh tới trường không chỉ học kiến thức mà còn học làm người. Đặc biệt hơn, người giáo viên mầm non (GVMN) là người thầy đầu tiên và quan trọng của trẻ, dạy trẻ những bài học đầu tiên của cuộc sống, là người ươm mầm nhân cách cho trẻ thơ. Cô là người thầy đầu tiên dạy cho trẻ tất cả mọi điều cần thiết: kỹ năng sống, kiến thức về môi trường xung quanh, về văn học, hội họa , âm nhạc, phát triển thể chất… và không những thế trẻ còn mong chờ ở cô sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ trẻ. GVMN không chỉ dạy mà còn phải dỗ dành bằng chính sự chăm sóc từ tình yêu thương của của người mẹ đối với trẻ.
Người GVMN với biết bao khó khăn, lo toan và áp lực, tất cả đè nặng lên đôi vai. Một câu hỏi đặt ra là làm sao GV có thể làm hết khối lượng công việc ở trường mà vẫn dịu dàng và yêu thương với trẻ, chưa kể còn áp lực từ phía phụ huynh và áp lực từ chính cuộc sống, công việc thì vất vả mà tiền lương thì thấp. Phải chăng đó chính là tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc và tình yêu nghề (TYN) quý trẻ của GVMN. Vì vậy, giáo dục TYN cho sinh viên mầm non (SVMN) ngay trong quá trình ngồi trên giảng đường đại học là thật sự quan trọng và cần thiết. Bởi phẩm chất này không có sẵn mà được hình thành từ chính tình yêu tha thiết đối với con người, từ lòng say mê của cá nhân đối với hoạt động sư phạm
2. Vai trò và biểu hiện về TYN của GVMN
2.1. Vai trò của GV mầm non
Trong quá trình giáo dục con người thì người GV giữ vị trí quan trọng nhất. Đội ngũ GV là lực lượngcốt cán biến các mục tiêu giáo dục thành hiện thực, giữ vai trò quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục. Vì vậy, GV phải được đào tạo một cách hệ thống trong trường sư phạm, nhằm cung cấp cho họ những hiểu biết rộng, linh hoạt, nhạy bén, có chuyên môn sâu, có kỹ năng đáp ứng với công tác giảng dạy theo yêu cầu đổi mới hiện nay của xã hội. Việc đào tạo và bồi dưỡng GVMN là nhiệm vụ quan trọng của các trường, khoa sư phạm mầm non. Trong quá trình đào tạo, sinh viên (SV) không những được trang bị kiến thức lý luận về khoa học giáo dục mầm non (GDMN) nói chung mà còn được thực hành rèn luyện kỹ năng nghề sư phạm mầm non nói riêng. Mục đích hoạt động sư phạm của GVMN là “làm phát triển toàn diện trẻ em tuổi mầm non và chuẩn bị cho trẻ đi học ở trường phổ thông có kết quả”. Nhân cách của trẻ trong tương lai như thế nào sẽ phụ thuộc rất lớn vào công lao dạy dỗ, chăm sóc giáo dục và nuôi dưỡng, bảo vệ của người GVMN. Trẻ càng nhỏ thì nhân cách của người GVMN càng có ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ. Do đó, người GVMN phải có nhân cách phù hợp mới có thể hoàn thành tốt nhất công việc giáo dục trẻ, đáp ứng được mục tiêu đổi mới GDMN trong giai đoạn hiện nay. Những bài học đầu tiên đối với một đứa trẻ là vô cùng quan trọng. Và người truyền đạt những bài học “vỡ lòng” đó không ai khác chính là các cô giáo mầm non. Các cô là người dạy trẻ biết cách cư xử lễ phép, biết cách tôn trọng hòa nhã, bắt đầu phân biệt được cái tốt xấu trong cuộc sống. GDMN, công tác chính là nuôi dạy các bé có độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi. Ở lứa tuổi này, nhận thức của trẻ như một trang giấy trắng, bởi vậy việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ đòi hỏi những đức tính chỉ những người cô, người mẹ mới có thể thực hiện tốt trách nhiệm công việc. Những gì một đứa trẻ học được ban đầu này có ảnh hưởng mạnh mẽđến quá trình hình thành nhân cách sau này. Vai trò của GVMN trong xã hội không chỉ là người dạy học, quản thúc chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho trẻ mà còn là người ươm mầm trí tuệ, khai sáng tài năng. Chính vì vậy, ngành sư phạm mầm non rất cần thiết trong nền giáo dục nước nhà, cần đẩy mạnh liên tục, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy.
2.2. Biểu hiện về TYN của GVMN
TYN là một phẩm chất đặc trưng trong nhân cách nhà giáo, chúng gắn kết với nhau tạo nên động lực giúp nhà giáo hoạt động giảng dạy và giáo dục có hiệu quả cao. TYN người GVMN biểu hiện: Sống và làm việc với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Luôn học tập, tu dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Gần gũi, thương yêu, tôn trọng, tin tưởng vào sự tiến bộ của trẻ. Làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân vì lợi ích của các em. Không phân biệt đối xử và chấp nhận sự đa dạng của trẻ. Tận tụy chăm sóc và kiên nhẫn trong giáo dục trẻ mầm non. Xây dựng mối quan hệ thân mật, gần gũi, ân cần, chu đáo với trẻ ở các độ tuổi khác nhau (tuổi nhà trẻ và tuổi mẫu giáo). Coi trọng tính tích cực, chủ động, sáng tạo cá nhân của trẻ mầm non; động viên khuyến khích trẻ tích cực tham gia vào hoạt động nhóm, tập thể. Xây dựng và duy trì việc phối hợp với gia đình trong việc chăm sóc-giáo dục trẻ; tuyên truyền và phổ biến thông tin về phương pháp giáo dục trẻ. Có quan hệ tin cậy dễ chịu với người khác, hợp tác thiện chí, trau dồi kinh nghiệm tự hoàn thiện bản thân. Có suy nghĩ và quan điểm tích cực, hoàn thành tốt các công việc được giao nhằm đáp ứng với các yêu cầu mới mục tiêu chăm sóc – giáo dục, bảo vệ và nuôi dưỡng trẻ. Yêu nghề, tâm huyết, gắn bó và có trách nhiệm cao với nghề nghiệp. Có tình cảm và yêu trẻ, có động cơ yêu nghề, say mê sáng tạo, nhanh chóng thích ứng với tình huống mới. Có ý thức tổ chức, có đạo đức tốt, yêu thương đồng cảm với người khác, mềm dẻo, hiểu biết, sáng tạo, lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị phù hợp với văn hóa dân tộc.
2.3. Những biểu hiện đạo đức của người GVMN trong giao tiếp ứng xử với trẻ
Trong chăm sóc, giáo dục trẻ, GVMN cần phải luôn yêu thương trẻ như con, khéo léo và thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của trẻ là: được ăn, được ngủ, được vui chơi và học tập. Muốn vậy, trong quá trình giáo dục, GV tạo bầu không khí ấm cúng như gia đình, chú ý đáp ứng đúng lúc, kịp thời những nhu cầu cơ bản của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển mộtcách thuận lợi.
Giao tiếp ứng xử với trẻ bằng những cử chỉ hành vi dịu hiền, nhẹ nhàng, cởi mở, vui tươi, tạo cho trẻ một cảm giác an toàn, bình yên, dễ chịu khi được đến trường, nhờ có cảm giác an toàn, trẻ mới bộc lộ tính hồn nhiên, ngây thơ. Điều này luôn nhắc nhở GV lấy cảm xúc chân thực như tình yêu thương của người mẹ đối với con trẻ. Trước mỗi tình huống, GV cần bình tĩnh không nên vội vàng, nóng nảy, nếu GV nóng nảy thiếu kiềm chế, sẽ có những hành vi không hợp lý với trẻ, vì bất cứ hành vi nào của GV đều được ghi dấu lại trong tâm trí trẻ. GV nên tìm hiểu kĩ những nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện hành vi bất thường của trẻ để có hướng giải quyết kịp thời và hợp lý nhất.
GV ứng xử công bằng với tất cả trẻ, không phân biệt so sánh trẻ này với trẻ khác dành tình yêu và sự quan tâm với tất cả các trẻ như nhau, không được quá quan tâm nhiều đến một trẻ nào đó. Mỗi trẻ có những đặc điểm riêng về thể chất, nhu cầu, sở thích, hứng thú, khả năng…., GV cần nắm bắt được các đặc điểm đó để có cách giao tiếp ứng xử phù hợp đối với trẻ.
Cần tạo ra bầu không khí thân thiện, cởi mở trong suốt quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ là điều rất quan trọng, GV lúc nào cũng thể hiện khuôn mặt rạng rỡ, nhiệt tình, trìu mến, tạo cho trẻ cảm thấy mình đang được quan tâm.
GV cần hiểu trẻ, nên tìm những điểm tốt điểm tích cực của trẻ, để nêu gương khích lệ trẻ tạo cho trẻ có được sự tự tin, phấn khởi. Cần tôn trọng trẻ, lắng nghe ý kiến của trẻ và sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của trẻ, không nên lờ đi trước ý kiến của trẻ. Linh hoạt trong cách xử lý tình huống với trẻ, không nên cứng nhắc vì mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt, một tính cách và sở thích khác nhau. GV cần hiểu trẻ và tạo nhiều cơ hội để trẻ được thể hiện trong các tình huống khác nhau.
3. Giải pháp giáo dục TYN cho SV GDMN
 3.1. Tổ chức cho SV tham gia hoạt động thực tập sư phạm (TTSP) tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Hằng năm, khoa GDMN thường xuyên tổ chức cho SV tham gia hoạt động TTSP nhằm tìm hiểu hoạt động thực tiễn ở các trường mầm non trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Dành cho SV học năm thứ 3, các em được tham gia hoạt động thực tế trong thời gian 06 tuần tại các trường mầm non đạt chuẩn trong tỉnh. Tạo điều kiện cho SV ngành GDMN thâm nhập thực tiễn ngành học để có những biểu tượng về thực tiễnchăm sóc - giáo dục trẻ mầm non. Trong thời gian thâm nhập thực tiễn ngành học mầm non, mỗi SV trải nghiệm 02 tiết dự giờ GV chủ nhiệm, thiết kế 03 kế hoạch bài giảng (tiết có trong chương trình GDMN) và tập giảng 03 tiết chuyên ngành với sự chỉ đạo của GV hướng dẫn. Lên lớp ít nhất một trong 03 tiết đã tập giảng và được GV hướng dẫn góp ý. SV có cơ hội tìm hiểu về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất của trường mầm non trong công tác chăm sóc - giáo dục trẻ; biết được công việc chủ yếu của GV trong tổ chức chế độ sinh hoạt một ngày của trẻ; quan sát một số hoạt động chăm sóc - giáo dục trẻ do cơ sở tổ chức; tiếp xúc trò chuyện cùng trẻ; trao đổi với GV cơ sở về những khó khăn, vất vả và cả những hạnh phúc, niềm vui mà nghề nghiệp mang lại. Được quan sát hoạt động chăm sóc trẻ, dự những hoạt động giáo dục sinh động, hấp dẫn do các GV nhiều kinh nghiệm tổ chức, qua đó giúp SV hiểu rằng việc dạy trẻ phải xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng nhân hậu của một người mẹ, người chị. SV có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu thực tiễn GDMN, bồi dưỡng tình cảm yêu nghề, yêu trẻ; cũng như củng cố, bổ sung và hệ thống những kiến thức, kỹ năng sư phạm đã được hình thành qua học tập tại trường. Giúp SV ngày càng cảm nhận sâu sắc hơn ngành học đầy nhân văn và gắn bó với nghề mình đã lựa chọn theo đuổi.
Giai đoạn 2: Đối với SV năm thứ 4, mỗi SV trải nghiệm 08 tuần thực tập ở hai độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo tại các trường mầm non đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh. SV được dự 04 tiết GV chủ nhiệm, thiết kế 04 kế hoạch bài giảng và tập giảng 04 tiết chuyên ngành với sự chỉ đạo của GV hướng dẫn. Sau mỗi giờ tập giảng có rút kinh nghiệm và đánh giá cho điểm. Lên lớp 03 tiết dạy đã tập giảng và được GV hướng dẫn góp ý. Nghe báo cáo, tìm hiểu quá trình rèn luyện phấn đấu của một GV khá giỏi ở tổ hay nhóm chuyên môn của trường cơ sở. Giai đoạn này SV được tiếp cận thực tế công việc của người GVMN như: vẽ biểu đồ tăng trưởng thực tế cho trẻ, tổ chức các hoạt động vệ sinh – dinh dưỡng cho trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ như: lau mặt, rửa tay cho trẻ, cho trẻ đi vệ sinh; ở lứa tuổi mẫu giáo thực tập tổ chức và quản lý trẻ làm vệ sinh cá nhân trước khi ăn, hướng dẫn và giáo dục trẻ biết tự phục vụ, biết vệ sinh môi trường: giữ gìn lớp sạch sẽ, lấy, cất đồ chơi đúng nơi qui định… . SV thực tập về tổ chức giờ ăn, ngủ cho trẻ; thực hiện sổ sách về kế hoạch giáo dục của GVMN … Hoạt động TTSP chính là cơ hội để SVMN đượcva chạm và trải nghiệm thực tế, là môi trường tốt giúp SV có điều kiện thử sức và rèn nghề trong tương lai.
3.2. Tổ chức các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên đểSVMN nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của người GVMN tương lai
Khoa GDMN phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức các hoạt động tọa đàm, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để cán bộ, viên chức cũng như SV các khoa tham gia giao lưu. Thông qua hoạt động chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam trong không khí vui tươi, phấn khởi SV sư phạm mầm non như được tiếp thêm sức mạnh về TYN và nhận thức đúng đắn hơn về vai trò và trách nhiệm của mình đối với nghề nghiệp. Thường xuyên tổ chức cho SV tham gia các hội thi với mục đích rèn nghề như thi nghiệp vụ sư phạm; thi năng khiếu nghệ thuật; sáng tác, biên đạo, biểu diễn... Ngoài ra, SV còn được tham gia các hoạt động rèn nghề tại trường mầm non thực hành, các hoạt động của Đoàn, Hội, Khoa, trường... Những hoạt động này đã lôi cuốn được rất nhiều SV tham gia, hưởng ứng nhiệt tình và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.
4. Kết luận
 Phẩm chất quan trọng nhất của một nhà giáo là TYN - TYN là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chất lượng giáo dục. Giáo dục TYN cho SV là một việc làm rất cần thiết và cấp bách nhằm nâng cao nhận thức của SV ngành GDMN ngay từ khi bước chân vào ngành học để có được tình cảm, lòng thiết tha với nghề nghiệp tương lai của mình. Muốn vậy, trước hết bản thân mỗi giảng viên phải yêu công việc giảng dạy của mình. Người GV có yêu công việc dạy học thì mới có thể giúp SV yêu nghề. Giảng viên phải là người “tiếp lửa” TYN của SV bằng chính sự nhiệt huyết, hành vi, cách sống của người thầy và thông qua các hội thảo về người GVMN, các hoạt động giảng dạy hàng ngày mới có thể thành công trong việc truyền TYN cho thế hệ sau.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Tất Dong (1989), Giúp bạn chọn nghề, NXB Giáo dục Hà Nội.
2. Smưch V.P (1989), Nghề của tôi – GV mầm non, NXB Giáo dục Matxcơva.
3. Hồ Lam Hồng (2009), Giáo trình “Nghề GV mầm non”, NXB Giáo dục Hà Nội.