CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE KHOA GIÁO DỤC MẦM NON VÀ TIỂU HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

Những bông hoa cắm bản “trồng người”

Đăng lúc: 08/03/2024 (GMT+7)
100%

Với những trăn trở về học sinh miền núi, nhiều nữ giáo viên đã phải hi sinh, vất vả, vừa đảm việc nước, vừa lo việc nhà với nhiều gửi gắm, niềm tin về giáo dục vùng khó ngày được đổi mới.

Với những trăn trở về học sinh miền núi, nhiều nữ giáo viên đã phải hi sinh, vất vả, vừa đảm việc nước, vừa lo việc nhà với nhiều gửi gắm, niềm tin về giáo dục vùng khó ngày được đổi mới.
Gỡ khó, dạy tốt
Giỏi chuyên môn, năng động phát triển kinh tế gia đình, cô Nguyễn Thị Minh Thủy – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Lễ (Hương Sơn, Hà Tĩnh) được Liên đoàn Lao động huyện tặng danh hiệu “Giỏi việc nước - đảm việc nhà”.

Cô Nguyễn Thị Minh Thủy – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Lễ (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh)
Cô Thủy có gần 35 năm gắn bó với ngành Giáo dục mầm non miền núi Hương Sơn. Dù trải qua nhiều cương vị tại nhiều ngôi trường khác nhau nhưng bất cứ ở đâu nữ giáo viên đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong công việc chuyên môn cũng như tham gia tích cực các phong trào thi đua của ngành.
“Hương Sơn là địa bàn còn nhiều khó khăn của Hà Tĩnh. Đặc điểm nơi đây là địa bàn miền núi, nhiều trường nằm ở khu vực biên giới, xa trung tâm, đường đi khó khăn. Chính vì vậy công tác giáo dục cho trẻ càng vất vả hơn những vùng khác. Trong quá trình công tác, tùy theo đặc điểm học sinh mỗi đơn vị tôi luôn cố gắng tìm giải pháp phù hợp để gỡ khó”, cô Thủy chia sẻ.
Trường Mầm non Sơn Tiến - một trong những ngôi trường cô Thủy có thời gian gắn bó lâu năm nhất. Trường nằm ở địa hình đồi núi với 3 điểm trường cách xa nhau gần chục km, cơ sở vật chất thiếu thốn. Nhưng khó khăn lớn nhất là việc vận động trẻ ra lớp đúng độ tuổi.
“Trước đây, phụ huynh chưa coi trọng việc cho trẻ đến trường. Để vận động trẻ ra lớp đúng độ tuổi, tôi và ban giám hiệu, giáo viên không quản đường xa đến tận nhà tuyên truyền. Không chỉ đến 1, 2 lần, mà có khi cả tuần, tháng trời. Chúng tôi đã bớt những đồng lương ít ỏi của mình để hỗ trợ gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em được đến lớp. Nhìn các em đi học ngày càng chuyên cần chúng tôi vui và biết mình đã thành công”, cô Thủy kể lại.
Đầu năm 2022, cô Thủy được điều chuyển công tác về đảm nhận chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Lễ. Ở môi trường mới dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng cô Thủy nhanh chóng bắt nhịp và cống hiến hết mình cho công việc. Ngoài hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo, cô Thủy luôn quan tâm đời sống của cán bộ, giáo viên; phát triển phong trào nữ công của trường. Cô đã thành lập câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Dân vũ thể thao”, trở thành sân chơi bổ ích, giúp nữ công kết nối, tạo dựng phong trào.
Cùng với công việc chuyên môn, cô Thủy còn “mát tay” trong phát triển kinh tế vườn hộ. Có thời điểm, cô nuôi 10 con hươu, gần 500 con gia cầm; trồng hàng chục gốc ổi, thanh long... Thu nhập của gia đình đạt khoảng 150 triệu đồng/năm, giúp vợ chồng cô Thủy có điều kiện nuôi dạy con ăn học thành đạt. Đặc biệt, con gái của cô Thủy (cựu thủ khoa đầu vào Đại học Sư phạm Đà Nẵng) tiếp nối mẹ, đang là giảng viên một trường đại học phía Nam.
Cô Phạm Thị Hồng Thắm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Lễ cho biết: “Dù về Trường Mầm non Sơn Lễ công tác chưa lâu nhưng cô Thủy đã góp phần không nhỏ trong việc khơi dậy hoạt động phong trào, tạo tinh thần thi đua sôi nổi cho cán bộ, giáo viên nhà trường”.
Bám bản dạy chữ

Cô Nguyễn Thị Tình - Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu)
Năm 2009, cô Nguyễn Thị Tình từ Hà Nam lên Tây Bắc dạy học. Cô Tình kể: “Lúc đầu cầm quyết định nhận công tác ở xã Nậm Ban, mình còn chưa biết nằm chỗ nào của huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), chỉ được giới thiệu ở đó còn nhiều khó khăn, thiếu thốn”. Là xã biên giới đặc biệt khó khăn của Nậm Nhùn, Nậm Ban có 3 dân tộc chính gồm Mông, Mảng, Hà nhì cùng sinh sống. Trình độ dân trí thấp, kinh tế khó khăn, nhiều hủ tục lạc hậu “bám riết” là một trong những yếu tố dẫn tới thực trạng khó khăn trên mọi lĩnh vực.
Những ngày đầu nhận công tác tại Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ban, cô Tình gặp không ít khó khăn. 100% học sinh là con em của đồng bào dân tộc, vốn tiếng Việt hạn chế, khả năng tiếp thu kiến thức chậm. Phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học hành của con em, huy động học sinh ra lớp đúng độ tuổi vô cùng vất vả.
Không quản ngại gian khó, bất kể ngày nắng hay mưa, đường sá đi lại khó khăn, xa xôi, cách trở, cô Tình cùng đồng nghiệp luôn tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, vượt qua bao con dốc, quả đồi đến từng bản, vận động phụ huynh đến lớp theo học chữ. Với cô Tình và các đồng nghiệp, nơi đây việc huy động được thêm một học sinh ra lớp cũng là niềm vui lớn lao, động lực để các thầy cô thêm yêu và gắn bó với nghề.
Việc huy động học sinh ra lớp đã khó, làm sao để truyền đạt kiến thức đến các em còn khó hơn bởi khả năng giao tiếp, vốn tiếng Việt của học sinh hầu như không có. Cô Tình chia sẻ: “Nhiều em dù đến tuổi để theo học lớp 1, 2 nhưng vẫn chưa nói được một câu tiếng phổ thông. Giáo viên phải kèm từng em, từ cách đọc, viết. Tới khi các em viết được họ tên mình là vui lắm rồi”.
Để có những bài giảng hay, cách truyền đạt thật sự đơn giản giúp học sinh dễ dàng tiếp thu, ngoài vốn kiến thức có được trên giảng đường sư phạm, cô Tình không ngừng học hỏi, tìm tòi nâng cao nghiệp vụ giảng dạy, tham khảo, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp trong trường để xây dựng các bài giảng phù hợp nhất với học sinh.
Thầy Lường Văn Văn – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ban cho biết: “Cô Tình hòa đồng, gần gũi với đồng nghiệp, tâm huyết với công việc, luôn đi đầu trong mọi hoạt động của nhà trường. Ngoài ra, cô không ngừng tìm hiểu, đổi mới phương pháp giảng dạy góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng đi lên”.
Trung tâm Truyền thông và Sự kiện
ST
https://moet.gov.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=9610