CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI WEBSITE KHOA GIÁO DỤC MẦM NON VÀ TIỂU HỌC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO, DU LỊCH THANH HÓA

TỪ NGỮ THÔNG TỤC VÀ VAI TRÒ NGHỆ THUẬT TRONG LỜI THOẠI NHÂN VẬT Ở TIỂU THUYẾT CỦA NHÀ VĂN CHU LAI

Đăng lúc: 01/07/2024 (GMT+7)
100%

Lời thoại trong tiểu thuyết Chu Lai không kiêng kị, tránh né với những lớp ngôn từ được dùng trong lời nói tự nhiên hàng ngày; cách nói, giọng điệu nhân vật bạo liệt, gân guốc, thô mộc, thậm chí là có lúc cay nghiệt, đáo để…

TỪ NGỮ THÔNG TỤC VÀ VAI TRÒ NGHỆ THUẬT TRONG LỜI THOẠI NHÂN VẬT Ở TIỂU THUYẾT CỦA NHÀ VĂN CHU LAI
                                                           - TS. Nguyễn Thị Thái -
                             Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
 Tóm tắt:
Lời thoại trong tiểu thuyết Chu Lai không kiêng kị, tránh né với những lớp ngôn từ được dùng trong lời nói tự nhiên hàng ngày; cách nói, giọng điệu nhân vật bạo liệt, gân guốc, thô mộc, thậm chí là có lúc cay nghiệt, đáo để… Sở dĩ nó vẫn được chấp nhận, không gây phản cảm là bởi nhà văn đã đặt đúng nơi, đúng lúc, tạo ra hiệu ứng sử dụng ngôn từ và cách nói. Và khi đặt lời thoại nhân vật trong bối cảnh chiến tranh, ở cận kề ranh giới của cái chết và sự sống, người ta không thấy những lời ấy là trần tục, thô thiển mà dường như nó đã mang một ý nghĩa ngữ dụng khác hẳn với những tình huống giao tiếp bình thường. Từ ngữ trong lời thoại làm cho ngôn ngữ nhân vật gần gũi đời sống, phù hợp phong cách giao tiếp.
 Từ khóa: Chu Lai, từ thông tục, nhân vật, lời thoại.
 
1.Việc các từ ngữ thông tục xuất hiện với một số lượng và tần số làm cho ngôn ngữ nhân vật, đặc biệt là nhân vật người lính trong tiểu thuyết Chu Lai bộc lộ tính cách...Chu Lai để cho nhân vật dùng nhiều lời ăn tiếng nói hàng ngày thuộc lớp từ thông tục (như: các từ ngữ tục, các câu chửi, các từ thân mật suồng sã…). Lời thoại trong tác phẩm không kiêng kị, tránh né những lớp ngôn từ được dùng trong lời nói tự nhiên hàng ngày; cách nói, giọng điệu nhân vật thì bạo liệt, gân guốc, thô mộc, thậm chí là có lúc cay nghiệt, đáo để… Sở dĩ nó vẫn được chấp nhận, không gây phản cảm là bởi nhà văn đã đặt đúng nơi, đúng lúc, tạo ra hiệu ứng sử dụng ngôn từ và cách nói. Và khi đặt lời thoại nhân vật trong bối cảnh chiến tranh, ở cận kề ranh giới của cái chết và sự sống, người ta không thấy những lời ấy là trần tục, thô thiển mà dường như nó đã mang một ý nghĩa ngữ dụng khác hẳn với những tình huống giao tiếp bình thường. Từ ngữ trong lời thoại làm cho ngôn ngữ nhân vật gần gũi đời sống, phù hợp phong cách giao tiếp.
2.Trong các tiểu thuyết của Chu Lai, dường như không có vùng ngôn từ nào mà nhà văn kiêng kị, tránh dùng. Khi miêu tả cái chết bi thảm của người con gái giao liên mới vừa tối qua thôi còn hạnh phúc trong vòng tay người yêu, nhà văn đã đặc tả những chi tiết rất thực tế để làm nền cho lời thoại: “Thu chỉ còn là cái xác lõa lồ… Tưởng như cô đang nằm ngủ hớ hênh sau một đêm giao liên dẫn khách kiệt sức và sắp tỉnh dậy, cười thẹn thùng, vấn lại tóc nếu như giữa cặp đùi trắng muốt hơi chãng ra của cô, ở chỗ kín không có một chiếc cọc sần sùi, vạt nhọn cắm sâu vào, xuyên tới đất… Máu đỏ như sơn nhểu xuống tận bắp chân, bắn từng giọt lên bụng, lên gò ngực vẫn no tròn cái sự sống mới nứt, tạo thành những cánh bằng lăng ma quái vừa ở đâu đó trên cao rụng xuống”.
Trước hoàn cảnh ấy, lời thoại của nhân vật không thể không sử dụng đến những yếu tố dứt khoát để giải quyết tình huống: - Anh em đâu? Thằng Khiển, thằng Vượng đâu? Cả thằng Tuấn khốn nạn kia nữa, mày ngồi chết giẫm ở đó à? Mang nó ra hố pháo chôn ngay!. Những từ như khốn nạn, chết giẫm xuất hiện trong lời thoại, cùng với giọng điệu, cách nói chua chát, có vẻ như vô tư lạnh lùng, nhưng ẩn sau đó là một tình cảm dồn nén sự đau đớn, để thúc đẩy những người lính vượt qua mất mát vững bước đi tiếp trong cuộc chiến sinh tử.
Thảm kịch của chiến tranh hiện lên qua lời thoại của người trung đội trưởng miền Bắc: - “Chỉ còn hai thằng tôi thôi. Ái! Các cô làm cái chó gì thế? Nhẹ tay thôi, đếch nhìn thấy xương đùi đằng này đã bị gãy rời đây à?... Kìa! Đã bảo nhẹ tay chứ! Ông đ… cho băng nữa bây giờ”!. Lời thoại của người lính tái hiện những mất mát, chết chóc và sự gan dạ hi sinh của đồng đội. Người đọc không còn thấy yếu tố tục trong lời chửi mà chỉ còn sự xúc động trước tấm gương gan dạ của anh mà thôi. Để xốc lại tinh thần cho đồng đội, không hơn gì là phải có tiếng nói mạnh mẽ trấn an tinh thần cho tất cả: - “Khóc cái gì mà khóc hả, mấy con ranh này”!.
Ngôn ngữ nhân vật trong đời thường, trong cuộc sống trở về sau chiến tranh cũng được nhà văn chú ý, khắc họa để làm rõ bản chất của từng nhân vật. Ngôn ngữ của Năm Thành: “Trai gái đĩ bợm hay là trộm cướp, chích choác, hả? - Cút ngay, cút! Từ giờ phút này tao thề là không có thằng con như mày nữa. Thà tao nuôi con chó còn biết trung thành hơn với chủ. Cút! Tao không muốn trông thấy cái mặt phản trắc, đểu giả của mày nữa. Anh ta nói với vợ: - Tất cả chỉ tại cô, một con đĩ già! Ngày ấy tôi không lôi cô ra khỏi cái vùng nước đái chó ấy thì đời cô bây giờ đã thành cái xác thối giữa rừng rồi...”.
3. Ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm của Chu Lai xuất hiện với tần số khá cao các từ chửi rủa. Chửi là hành vi kiêng kị trong giao tiếp, nhưng trong những ngữ cảnh nhất định, nó lại hữu dụng. Có lẽ trong bối cảnh của chiến tranh, nếu như không có những tiếng chửi như khích lệ người lính xông trận thì chắc họ sẽ khó vượt qua sự khủng khiếp của chiến tranh kia. Hai Hùng nói với ông phó bí thư quận ủy Hai Tiến: - “Thằng khốn! Chạy đi đâu? Mày bỏ bạn bè, đồng đội đi đâu?… - Chạy như chó mà xưng là bí thư. Nhục!. Những từ thông tục: thằng khốn, chạy như chó, nhục, láo, cút… tỏ ra phù hợp tâm trạng của người trong cuộc và ngữ cảnh giao tiếp. Chu Lai xoáy sâu vào sự thật của cuộc chiến bằng những từ ngữ tưởng như thông tục, cách nói đanh gọn, riết róng… Đằng sau lớp từ ngữ, giọng điệu ấy là cả thế giới tâm trạng của nhân vật trong sự nghiệt ngã của chiến tranh.
Các từ ngữ tục thuộc nhóm kiêng kị trong giao tiếp, nhưng Chu Lai đã sử dụng khá nhiều trong các đoạn thoại giữa các nhân vật. Trong Ăn mày dĩ vãng là:bóp dái, đếch, sứt môi lồi rốn, đái, rặn ỉa, ỉa đái, chạy như chó, đít, đánh đéo, con cặc, bìu dái, cu, chó dái, làm chó gì, cứt thối, con khẹc, khổ như chó…Trong Ba lần và một lần: cái chó gì, đếch, ông đ. cho, đàn ông chó dái, thiến mất dái, cơn động đực, cái chim của mày, đống cứt, bốc cứt bốc đái mà ăn, vũng nước đái chó; Trong Cuộc đời dài lắm: đ.gì, đĩ non ngứa nghề, con đực đã bị thiến, ôm đít vợ, đĩ, chó nó tin, cái đít toàn trứng, đ. quên cái gì, ông là cứt, cứt đái, bỏ mẹ, thối, con tườu, ỉa vãi, dại gái đến chảy nước đái ra… Trong Ăn mày dĩ vãng, nhân vật Tuấn giơ hai tay lên cửa hầm để pháo tiện đứt tay cho được trở về với mẹ, anh nói với Hai Hùng: - Anh đánh đéo gì tôi? Mẹ anh chứ! Thế trận càn tháng trước thằng con mẹ nào chúi đầu xuống hầm, một chân cứ giơ lên hứng đạn? Thằng nào? Thằng giơ chân tưởng oai hơn thằng giơ tay à? Lên mặt à? Con cặc!. Cũng hiếm tìm thấy ở tác phẩm nào cách nói đưa từ tục vào thế này: - Thế là vô sản. Tuyệt đối vô sản. Vô sản đến tận dái [tr.50]. Trong Ba lần và một lần, lời thoại của nhân vật thể hiện bản lĩnh của người từng một thời cầm súng. Sáu Nguyện giọng rung lên vì giận: - Bỏ cô ấy ra! Làm thằng đàn ông như vậy là rất nhục! - Cô về đi! Đối với loại đàn ông chó dái này, cô nên hết sức cẩn thận… [tr.119].
Đoạn thoại giữa Hai Hùng và Ba Thành sau mười năm gặp lại vẫn thấm đẫm chất lính tráng, bộc trực: - Bác sĩ con mẹ gì?…Vất mẹ đồng chí đi! Mình đây, Hai Hùng đây! Chao ôi! Chả lẽ tớ già đến nỗi cậu không còn nhận ra nữa ư? Đầu viên đạn M16 cậu lấy ra từ đùi, gần bìu dái, tớ vẫn giữ được. Từ đùi? Ừ, đùi. Bìu dái? Ừ, dái? Vẫn còn giữ? Giữ. Thế thì đù mạ! Nhớ rồi. Mày là thằng Hùng ác ôn, thằng Hùng trời gầm, đúng không?... Nếu không nói tới viên đạn mắc dịch ấy thì ông cố nội tao cũng không nhận ra…[ Ăn mày dĩ vãng, tr.107]. Ngôn ngữ nhân vật với cách miêu tả và sử dụng từ ngữ mạnh tay như vậy ta rất ít gặp trong các tác phẩm văn học trước 1975.
Chu Lai cũng chú ý sử dụng các từ ngữ tục thể hiện đặc điểm ngôn ngữ nhân vật phản diện: - Đù mẹ bọn mọi ăn đất cát!...  Cơm không muốn ăn, ăn cứt! Thân con lừa! Vậy tao cho bọn bay chết mẹ luôn. Lính đâu? Tao đếm từ ba đến một, không lên, bấm! - Ủa! Con Ba Sương chỉ huy xã đội đây mà. Phải là nó thì mới có bàn tay cụt ngón thế này. Tội hè! Việt cộng sử dụng cả đàn bà tật vô rừng làm đĩ. Đĩ cụt! - Gọi hàng cái con tườu! Đánh mìn cho chết mẹ chúng nó đi, - Bài học cái con cặc!... [Ăn mày dĩ vãng, tr.207]. Đoạn thoại trên với những từ thông tục đã tô đậm sự tục tĩu, đểu cáng và phi nhân tính của nhân vật phản diện. Các từ ngữ tục cứ lặp đi lặp lại (đĩ, đĩ cụt, đù mẹ, thân con lừa, chết mẹ luôn, tha cái con c…, thằng mọi, mọi rợ), tạo thành tính cách nhân vật kẻ phản diện - loại kẻ thù ác ôn với những thủ đoạn tinh vi, tàn bạo như thằng Xầm (Nắng đồng bằng), thằng Quang (Sông xa), thằng Địch (Ăn mày dĩ vãng)… Nguy hiểm hơn, những nhân vật kẻ thù đó không chỉ là người của chiến tranh mà còn là người của ngày hôm nay, hợp lực với sự tha hóa của những người từng là lính chiến, hoành hành trong thời kì hậu chiến... thể nói, vốn từ thông tục trong lời thoại của nhân vật đã góp phần phản ánh sự khắc nghiệt của chiến tranh, của đời sống xã hội rõ nét hơn. Ấn tượng rõ nhất trong ngôn ngữ nhân vật của Chu Lai là hệ thống từ ngữ đời thường, mang đậm phong cách khẩu ngữ, xuất hiện dày đặc các lớp từ thông tục (các từ xưng hô hàng ngày; các từ ngữ đánh giá mang tính thân mật, suồng sã; các từ tục, lời chửi). Cách nói của các nhân vật cũng rất ngắn gọn, mạnh mẽ, không nói tránh mà trực diện, thái độ yêu ghét rõ ràng... Đằng sau đó là mạch ngầm của những triết lý nhân bản mà tác giả muốn gửi gắm, thể hiện.
4. Tính cá thể hóa thể hiện qua hệ thống từ ngữ, nhất là từ thông tục trong lời thoại nhân vậtcủa tiểu thuyết Chu Lai phải nói là rất cao. Trong chiến tranh,Hai Hùng hiện lên với mẫu anh hùng của chiến tranh sông lạch. Sự tinh nhạy, khôn khéo, can tràng của anh đã đạt đến độ thần tượng của các cô gái du kích, hay các cô ở đội nữ pháo binh, bởi ngoài chiến đấu giỏi anh còn rất đẹp trai. Khi nói về anh, các cô thường hít hà: “Chao ôi!... Cứ để cho ảnh sống, ăn uống ngon lành, mỗi đêm đến với chị em một lần, đến từng đứa, hết lượt lại quay lại từ đầu…” [Ăn mày dĩ vãng, tr.32]. Nhưng Hai Hùng không phải là người thích đùa cợt, hoa lá. Nghe cậu trinh sát nói có người hỏi thăm mình, Hai Hùng đã tỏ thái độ rất rõ ràng: - Thăm hỏi cái quái quỷ gì lúc này! Đây là chuyện sống chết mất còn chứ không phải trò đực cái trăng hoa [Ăn mày dĩ vãng, tr.34]. Ngôn ngữ thẳng thắn, hơi tàn nhẫn “quái quỷ, đực cái trăng hoa, sống chết mất còn” khi nhắc đến chuyện tình cảm cho thấy đây còn là mẫu nhân vật khá lạnh lùng, khô khan và đã là nhiệm vụ thì người lính không gì phân tán tư tưởng được kể cả khi đó là người con gái đẹp nhất rừng mà ai cũng mơ ước.
Chứng kiến sự phản bội, yếu hèn của người lính dẫu người đó là cấp trên của mình, Hai Hùng vẫn thẳng thắn đến mức lạnh lùng, tàn nhẫn qua cách sử dụng lời thoại có nhiều từ thông tục: - Thằng khốn! Chạy đi đâu? Mày bỏ bạn bè, đồng đội đi đâu? - …Chạy như chó mà xưng là bí thư. Nhục!... Từ ngữ chửi trong lời thoại nhân vật “thằng khốn”, “chạy như chó”, “cút”, “nhục”… hoàn toàn hợp lý trong tình huống này. Hình tượng người lính trong tiểu thuyết Chu Lai phần đa được thể hiện từ chiến tranh vắt sang đời thường. Bởi vậy ngôn ngữ nhân vật phù hợp không thể là sử dụng từ ngữ đơn tuyến. Lời thoại nhân vật cho người đọc nhiều xúc cảm do từ ngữ mang lại. Đó không chỉ làm cảm xúc, tình yêu, mà còn là những triết lý, quan niệm sống đa dạng trong mỗi con người.
Trong lời thoại của các nhân vật, tiêu biểu là nhân vật Hai Hùng, về mặt từ ngữ - các từ thông tục xuất hiện nhiều, cứ lặp đi lặp lại, cho thấy đây là một nhân vật có cá tính đậm nét (bộc trực, thẳng thắn, ngang tàng, quyết liệt trong chiến đấu, với cái xấu, với kẻ thù nhưng cũng rất giàu tình cảm với đồng chí, đồng đội, nhân dân).
Danh sách các từ ngữ thông tục trong lời thoại thật đa dạng, có tần số sử dụng cao, lặp đi lặp lại. Đó là những lời chửi trong Ăn mày dĩ vãng: mẹ kiếp, đồ ăn mày, thằng khốn, cút xéo, thằng súc sinh, khốn nạn, thằng ngu ngốc, đồ y tá lang băm, mẹ nó, thằng hèn, đồ khốn, im cái mồm, kệ mẹ tôi, đồ dã man, mẹ mày, cha trời, con mẹ họ, tiên sư chúng mày, thằng con mẹ; trong Gió không thổi từ biển: thằng điên, đồ con bò, ác hơn con hổ trên rừng, đồ ăn hại, thằng mọi, đồ đĩ rựa, con mẹ nó, im mồm đi, khốn nạn, đồ rắn độc, đồ mật vụ, đồ cảnh sát hạng bét, đồ ngu, mẹ kiếp, thằng phản bội; trong Ba lần và một lần: im mồm, dốt, đồ đểu, đồ khốn nạn, đ.mẹ, má mày, dẹp mẹ nó, má thằng bạc nghĩa vô tình, chết dấp chết dúi, đ.má thằng già, đồ ăn cháo đái bát, chó má súc vật, con đĩ già, ông nội mày, con mẹ mày, con bồ mất nết; Cuộc đời dài lắm: bỏ mẹ, cút, mẹ khỉ, mẹ chị, bố thằng nào, thằng khốn nạn, đồ đạo đức giả, đồ khốn nạn, con mẹ nhà ông, má thằng bạc nghĩa vô tình, đ.má thằng già, thằng ngu, ngu dại, dở hơi, thằng khốn, cút khỉ nhà tao, khốn nạn, mẹ nó, đồ dâm tình, bịp bợm, thằng dại gái, đồ ăn cháo đái bát, tiên sư ông, con mẹ ông…
Trong các lời thoại, có những từ tục xuất hiện không chút kiêng tránh:bóp dái, rặn ỉa, ỉa đái, con cặc, bìu dái, chó dái, đàn ông chó dái, thiến mất dái, cơn động đực, cái chim của mày, đống cứt, bốc cứt bốc đái mà ăn, vũng nước đái chó, ôm đít vợ, đĩ, chó nó tin, cái đít toàn trứng, đ.quên cái gì, ông là cứt, cứt đái, bỏ mẹ, thối, con tườu, ỉa vãi, dại gái đến chảy nước đái ra…
Với những từ thông tục xuất hiện khá nhiều trong các lời thoại đã liệt kê cũng như phân tích ở các mục trên, có thể thấy nhân vật của Chu Lai bộc lộ khá rõ các thông tin về nhân thân của họ ở các mặt: về giới tính, thành phần, nghề nghiệp (phần lớn số nhân vật là người lính, số đông là nam; về quan hệ, hoàn cảnh và thái độ giao tiếp (cơ bản quan hệ giữa các các nhân vật là quan hệ ngang hàng; hoàn cảnh giao tiếp phần lớn là trong các tình huống ác liệt của chiến tranh); về tính cách (qua các từ ngữ thông tục, từ chửi, các nhân vật bộc lộ tính cách ngang tàng, dân dã, đời thường). Điều này phù hợp với nhân vật là những người lính, phù hợp với hiện thực đời sống trần trụi, đầy những bức xúc mà các nhân vật giao tiếp trải qua.
5. Trong văn học gần đây, nhiều nhà văn trong tác phẩm của mình không ngại nói đến những gì phức tạp, bí ẩn nhất trong tâm hồn con người, không có chỗ nào là kiêng kị, ngay cả sử dụng ngôn ngữ. Từ ngữ trong tác phẩm văn học không chỉ soi bóng thời đại mà ở phạm vi hẹp hơn, soi bóng chính những chủ thể sử dụng chúng. Toàn bộ ngôn bản nghệ thuật thuộc về nhà văn, nhưng thứ ngôn ngữ đậm cá tính mà Nguyễn Huy Thiệp tạo ra, mỗi nhân vật là một chủ thể có tiếng nói của riêng mình. Ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp cũng đặc biệt sắc sảo có khi vận dụng những từ ngữ thông tục. Lời thoại nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chứa rất nhiều yếu tố tục nhằm mục đích “chửi” đối tượng giao tiếp, nhiều khi khước từ cả phương châm tôn trọng thể diện người nghe. Những nhân vật xuất thân từ tầng lớp lao động bình dân, ít học, ít hiểu biết thường căm phẫn tục tằn như lời ông lão Kiền góa vợ chỉ rặt một câu cửa miệng khi nói với con cái, với Đoài: “Mày ấy à? Công chức gì cái mặt mày? Lười như hủi, chữ tác chữ tộ không biết, chỉ giỏi đục khoét”. Hay nói với Khảm: Đồ ruồi nhặng! Học với chả hành! Người ta dạy dỗ mày cũng phí cơm toi”. Hoặc với Cấn: “Hay thật, cái nghề cạo râu ngoáy tai của mày, nhục thì nhục nhưng hái ra tiền” [Tướng về hưu, tr.43]. Tay tài xế vô học, thô bỉ, gọi phụ nữ bằng các từ: “Đồ đĩ! Béo nứt bụng”, “Gái xề! Đồ mặt chó”, “Nước mắt đàn bà! Nước đái bò”… [Tướng về hưu, tr.320]. Sự quát tháo, chửi rủa ầm ĩ của lão Tảo, trùm Thịnh (Chảy đi sông ơi). Một tay thợ xẻ chửi đời “Tiên sư đời, khốn nạn chưa! Các con ơi các con, các con đã biết đời là gì chưa” [Thương cho cả đời bạc, tr.102]. Những nhân vật kiểu này thường chỉ nhìn cuộc đời ở điểm nhìn hiện tại. Hầu hết các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp đều thế! Ngôn ngữ tục tằn, căm phẫn, họ cảm nhận mình đang ở đáy của xã hội, không thể ngoi ngóp vươn lên, thường có cái nhìn bi quan... Họ có thể văng tục với bất kỳ đối tượng nào, bất cứ chỗ nào và lúc nào, để họ thấy được: “Làm người nhục lắm” [Tướng về hưu, tr. 50].
Ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết Chu Lai cũng sử dụng những từ tục để chửi, nhưng cái chửi trong tình huống của những người lính gặp lại nhau sau chiến tranh không phải là lời chửi tục tằn, bất hạnh mà đó là lời chửi thoải mái của những tâm hồn người lính chân thật, phóng khoáng không câu nệ lễ nghi. Ở họ dường như yếu tố tục trong lời chửi mất đi sự cay nghiệt, căm hận mà chỉ còn lại tiếng cười sảng khoái, nhẹ nhàng đùa vui mà thôi.
Trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chẳng hạn như ở Truyện ông Móng, yếu tố tục xuất hiện 54 lần, truyện Người thợ xẻ là 13 lần. Quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp rất rõ ràng. Theo ông, cái đẹp là sự thật, một sự thật biết nói. Vì vậy nhân vật của ông luôn được ném trả giữa sự thật của cuộc sống đời thường. Họ có quyền được yêu cầu, chửi, ra lệnh và cũng có lúc căm phẫn.
Ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp cũng có những điểm gần giống với ngôn ngữ nhân vật của Chu Lai, có tính cá thể hóa sâu sắc. Nhân vật tuy không nói nhiều lời nhưng để lại ấn tượng sâu đậm. Lời nói của nhân vật không văn hoa sách vở, mộc mạc như tiếng nói của đời thường. Nhân vật phát ngôn mt cách tự do, chẳng cần giữ ý, cứ thản nhiên “văng” ra những khẩu ngữ, những câu chửi thề thô tục. Trong Tướng về hưu, ông Bổng thực dụng một cách hồn nhiên: “mất mẹ bộ xa lông... bốc mộ cho chú bộ ván… Không sao, bao giờ cả làng này chết tự tao cũng đủ tiền đi đò nhét vào miệng họ”. Lời Thủy sắc sảo, rành mạch thể hiện một cá tính mạnh mẽ: “Không thể được… Không được…Được… Tôi không thích… Đừng khóc… Ăn là trên hết…”. Lời của Đoài chứng tỏ bản chất con người đểu cáng vô lương: “Lạy mẹ, mẹ phù hộ cho con đi học nước ngoài, kiếm cái xe cúp… Mất thì giờ bỏ mẹ. Ai đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé… Các bác già chết có gì là lạ” (Không có vua).Loại nhân vật xuất hiện nhiều trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp là loại nhân vật trần tục, tha hóa, biến chất. Đặc điểm của loại nhân vật này là ngôn ngữ sử dụng nhiều từ tục như: mẹ mày, láo, kề miệng lỗ, cứt, ăn cứt, đồ ruồi nhặng, lo thọt dái, ngu như chó, sợ vãi đái, bể cứt, mẹ cha mày, bỏ mẹ, bóp vú,…
Bất cứ nhân vật nào trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp lúc cần cũng có thể văng tục, từ một bà già nông thôn đến một ông vua vị tướng, từ những kẻ trí thức có học đến những người bình dân ít học, từ những con người thực trong lịch sử đến con người trong huyền thoại. Nguyễn Huy Thiệp đặt vào miệng vua Gia Long những từ (khi vua Gia Long nổi giận: “Thằng mặt xanh kia! Kề miệng lỗ còn dê ư…? Ta cho mày ăn cứt” (Phẩm tiết). Một người điềm tĩnh như Tướng Thuấn trong Tướng về hưu cũng có lúc chửi rủa: “Mẹ mày! Láo”... Trong một gia đình Không có vua, từ kẻ mang danh là trí thức làm việc ở Bộ giáo dục đến ông già góa vợ đều ăn nói theo kiểu “rất đời”: nào là “lười như hủi”, rồi “đồ ruồi nhặng”, “mẹ cha mày”, “bỏ mẹ”, “cút đi”, “bóp vú”, “bể cứt”…Một dòng họ qua năm đời trong giọt máu chẳng có gì hơn ngoài những kẻ “dê cụ”, “đồ con đĩ”, “con dâm phụ”, “ăn cứt”, “con ác tặc”… Lão trùm Thịnh trong Chảy đi sông ơi, suốt ngày chỉ có “ngu như chó”, “sợ vãi đái”, “mẹ kiếp” “lo thọt dái”… Chàng Trương Chi bên cạnh giọng hát trong trẻo và quyến rũ là cái âm thanh lặp đi lặp lại thành một thói quen khủng khiếp: “cứt”.
Từ ngữ trong lời thoại của nhân vật ở tiểu thuyết Nguyễn Khải lại có điểm khác. Nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn hầu hết là những người trí thức hoặc dày kinh nghiệm sống, là những người nếm trải cuộc đời. Ngôn ngữ nhân vật tiểu thuyết Nguyễn Khải là sự kết hợp nhuần nhuyễn các sắc điệu trong tác phẩm, khi hoài nghi, khi đùa vui, khi chua chát đắng cay, lúc hùng hồn, khúc chiết, lúc luận chiến căng thẳng, khi trôi theo dòng ý thức trầm cảm khiến nhân vật hiện lên cũng uyển chuyển, duyên dáng, cái duyên dáng tự nhiên như cuộc đời với những mặt tốt đẹp vốn là như vậy. Các nhân vật Nguyễn Khải gắn với những vấn đề chính trị xã hội lớn lao của đất nước, hình tượng ngôn ngữ nhân vật thể hiện sự kiếm tìm, trăn trở về đạo đức, khát vọng cao cả, vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn con người trong cuộc đời. Phông nền xuất hiện các nhân vật là cuộc sống mới đang được xây dựng trên mảnh đất vừa trải qua chiến tranh.
Cùng xuất hiện hình ảnh nhân vật người lính như tác phẩm của nhà văn Chu Lai, ở sáng tác của Nguyễn Khải là những người lính một thời xông pha lửa đạn, nay trở về cuộc đời bình thường, họ vẫn thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ, sống giản dị, khiêm nhường, cũng phải vật lộn với thử thách để đứng vững trên đôi chân của mình. Về cơ bản, những người lính xuất hiện trong tác phẩm Nguyễn Khải có cuộc sống thanh đạm nhưng không mất đi chất lính. Lớp từ ngữ trong ngôn ngữ nhân vật thường mang tính trải nghiệm, xót xa, suy ngẫm. Lời kể của nhân vật thường dài, lời thoại thường ngắn, chứa đựng sự thông minh, hiểu biết rộng. Các lớp từ ngữ trong ngôn ngữ nhân vật của Nguyễn Khải phù hợp với kiểu nhân vật của nhà văn, phù hợp với cái “tạng” của tác giả: nhuần nhị, nhẹ nhàng, suy tư, triết luận, nó có nhiều điểm khác với ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm của Chu Lai.
---------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Diệp Quang Ban (cb), Hoàng Văn Thung (1996), Ngữ pháp tiếng Việt (Tập 1 & 2), Nxb Giáo dục, H.
2. Đỗ Hữu Châu (1999), Các bình diện từ và từ tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia, H.
3. Chu Lai (1994), Ăn mày dĩ vãng , Nxb Hội nhà văn, H.
4. Chu Lai (2000), Ba lần và một lần, Nxb Quân đội nhân dân, H.
5. Đỗ Thị Kim Liên (1999), Ngữ nghĩa lời hội thoại, Nxb Giáo dục, H.
6. Cù Đình Tú (2001), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục,H.
7. Nguyễn Văn Khang (1999), Ngôn ngữ học xã hội - Những vấn đề cơ bản, Nxb KHXH, H.
 
 
0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)